Cấp giấy phép xây dựng được đơn giản hóa trong thời gian tới

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”. Nhiều vấn đề trong lĩnh vực này đã được các đại biểu bàn luận sôi nổi.

Muôn ngành khổ vì giấy phép xây dựng

Giấy phép xây dựng là một trong những vấn đề nóng bỏng của hội thảo. Trong nhiều năm qua, hai vấn nạn nổi cộm xoay quanh loại giấy này là tình trạng vi phạm giấy phép xây dựng và sự nhiêu khê trong việc cấp phát.
Lý giải về thực trạng vi phạm giấy phép xây dựng ngày càng phổ biến, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ rõ những bất cập của việc cấp giấy phép. “Sau khi cấp xong không có bước kiểm tra việc sử dụng giấy phép; khi xây dựng xong cũng không có cơ chế kiểm tra, giám sát việc xây dựng có đúng giấy phép không”, ông Liêm nhấn mạnh.  
Cấp giấy phép xây dựng được đơn giản hóa trong thời gian tới
Giấy phép xây dựng là một trong những vấn đề nóng bỏng của hội thảo
Cũng theo ông Liêm, phần lớn các công trình vi phạm giấy phép xây dựng được phát hiện là nhờ báo chí, không phải cơ quan cấp phép. Khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra và có hình thức xử phạt. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt cũng không đủ mạnh để tạo tính răn đe. Ông Liêm cho biết, các chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép xây dựng vì mức phạt quá nhẹ, không thấm vào đâu so với những cái “lợi” mà việc vi phạm mang lại. 
Bên cạnh đó, sự nhiêu khê, rườm rà trong việc cấp giấy phép xây dựng cũng được các đại biểu đề cập. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu so sánh tờ giấy phép xây dựng ngày hôm nay với tờ giấy phép của những năm 50 thế kỷ trước. Theo ông, tờ giấy phép xây dựng khi đó chỉ có ranh giới đất và mặt tiền, chủ sở hữu muốn xây dựng như thế nào trong “khuôn khổ” đó là quyền của chủ sở hữu. Điều này trái ngược với hiện nay khi triển khai một dự án, việc đổi nhà vệ sinh từ chỗ này sang chỗ kia cũng phải xin phép.
Không chỉ ngành xây dựng mà lĩnh vực quảng cáo cũng “khốn khổ” với giấy phép xây dựng. Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho hay, việc xin cấp phép xây dựng các công trình quảng cáo cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp về thủ tục. Nguyên nhân là do các luật liên quan đến lĩnh vực quảng cáo như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch chưa thực sự đồng bộ và thông thoáng để ngành này phát triển.
Ông Hùng cho biết, nếu tuân theo đúng Luật Quảng cáo hiện nay thì gần như 100% các công trình quảng cáo đang vi phạm. Để thực hiện các công trình này, chủ đầu tư phải “bôi trơn”, phải chấp nhận chịu phạt. Ông Hùng nhấn mạnh: “Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, 4 năm nay vẫn chưa có quy hoạch quảng cáo”.
Ngoài ra, ông Hùng cũng chỉ ra một loạt bất cập khác của việc cấp giấy phép trong lĩnh vực quảng cáo như tình trạng chồng chéo, một tờ giấy phép quảng cáo phải thông qua cả ngành xây dựng, ngành văn hóa, giao thông. Việc yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới được làm quảng cáo cũng gây khó khăn cho ngành này bởi khu đất để cắm biển quảng cáo chỉ có chục mét. Diện tích quá nhỏ nên nhiều chính quyền địa phương không đồng ý chuyển đổi.

Theo đuổi tiêu chí “một”

Tại hội thảo, Bộ Xây dựng cũng đưa phương án cải cách thể chế về đầu tư kinh doanh của Bộ mình. Những cải cách tập trung theo 2 hướng, đó là soạn một luật để sửa 4 luật của Bộ, gồm: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và soạn một Nghị định để bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Phát biểu tại hội thảo, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết, sở dĩ phải soạn một luật để sửa 4 luật và 1 nghị định là bởi các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị đều ít nhiều bộc lộ sự bất cập khi đi vào thực tiễn. Trong khi đó, các luật này đều đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo một thị trường bất động sản minh bạch và bền vững. Các bất cập phổ biến nhất của những luật này đó là sự phiền hà, chồng chéo trong việc cấp giấy phép xây dựng, thời gian thực hiện thủ tục giấy phép còn dài, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết…
Với từng luật, Bộ đều đề xuất các hướng sửa đổi cụ thể. Ở Luật Xây dựng, việc sửa đổi tập trung vào việc cấp giấy phép xây dựng. Đó là đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép; thời gian cấp giấy phép xây dựng giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày… Các đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng cũng được mở rộng.
Các sửa đổi trong Luật Nhà ở tập trung vào các vấn đề: bãi bỏ quy định Bộ Xây dựng công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; bổ sung trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Ở Luật đầu tư thì điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với nhiều ngành nghề còn phức tạp. Ngược lại, một số ngành nghề lại chưa đáp ứng được các điều kiện về đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư nên sẽ có sự điều chỉnh ở khía cạnh này. Về Luật quy hoạch đô thị, thì việc lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chưa đáp ứng và sát sườn với yêu cầu thực tế…
Ngoài soạn 1 luật để sửa 4 luật, Bộ Xây dựng còn đề xuất sửa đổi luật do các Bộ khác soạn thảo và chủ trì như Luật Quảng cáo, Luật đấu thầu… Cụ thể, bổ sung 1 điều cho bộ Luật đấu thầu, bãi bỏ 1 điều của Luật quảng cáo. Mục đích của việc này là hướng tới sự hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bộ cũng đề xuất soạn một Nghị định để bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh như: bỏ điều kiện sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động; bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với một số cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; bỏ quy định điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

'Chạy' lên chung cư ở vì nhà ngõ nhỏ quá bất tiện

Hành vi của người mua căn hộ chung cư trung cấp trên internet

Video giới thiệu tổng quan dự án SkyCentral - 176 Định Công